Lượt xem: 1503

Dự án “Phát triển chăn nuôi bò” tiếp tục đồng hành cùng người chăn nuôi

Sau thành công của Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý Dự án đã triển khai nhiều hoạt động, tiếp tục thực hiện các mô hình chuyển tiếp như hỗ trợ về con giống và nguồn vốn để hộ nuôi có điều kiện duy trì và phát triển mô hình, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm đầu tiên triển khai giai đoạn mới của Dự án.

 


Chuồng bò sữa của ông Thạch Thành được nâng cấp nhờ nguồn vốn vay không lãi suất được Dự án hỗ trợ 

 

    Nhận thấy nguồn thức ăn thô xanh khá dồi dào tại quê chồng, ở ấp Cống Đôi, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, chị Võ Huỳnh Mai Linh quyết định từ bỏ việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh để cùng chồng về quê lập nghiệp từ nghề chăn nuôi bò thịt. Nhờ bản tính cần cù, ham học hỏi của chị mà đàn bò của gia đình được chăm sóc, phát triển tốt, trọng lượng thịt luôn đạt hơn so với các hộ lân cận. Mong muốn phát triển đàn, nhưng hạn chế về kinh tế và sự băn khoăn về chất lượng con giống khiến gia đình còn khá e dè. Đầu năm nay, chị Linh là một trong số những hộ nuôi đủ điều kiện được Ban quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò hỗ trợ bò cái sinh sản để phát triển mô hình, đây là giống bò tốt đã qua chọn lọc nên khả năng tăng trưởng tốt. Với hình thức chuyển giao này, khi bò cái đẻ ra bê con 6 tháng tuổi, sẽ được gia đình bàn giao lại cho dự án để hỗ trợ những hộ nuôi khác có nhu cầu nhân rộng mô hình. Chị Mai Linh chia sẻ: “Kinh tế của mình không phải lúc nào cũng dư giả để mua số lượng bò nhiều, vì vậy được dự án hỗ trợ cho 2 con bò đỡ được kinh phí cho mình, tăng số lượng đàn bò trong chuồng. Khi mình mua giống cũng không rõ nơi nào có uy tín nơi nào không, nên có dự án hỗ trợ cũng rất yên tâm”.

    Ngoài chuyển giao bò cái sinh sản, Dự án Phát triển chăn nuôi bò còn hỗ trợ nguồn vốn không lãi suất từ 30 - 50 triệu đồng (tùy theo quy mô chăn nuôi) cho các hộ thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện để họ đầu tư thêm về chuồng trại, mua sắm trang thiết bị  phục vụ nhu cầu phát triển nghề nuôi. Nhờ được hỗ trợ mượn vốn 50 triệu đồng từ Dự án, chuồng nuôi bò sữa của ông Thạch Thành ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên đã được nâng cấp, mở rộng hơn, số tiền còn lại được ông mua thêm bò về để phát triển tổng đàn; không gian rộng rãi, thông thoáng giúp đàn bò phát triển tốt, môi trường chăn nuôi cũng được đảm bảo hơn. Theo ông Thành, chính sách hỗ trợ từ Dự án là rất kịp thời và hiệu quả, tạo thêm điều kiện để gia đình mở rộng quy mô chuồng trại. Từ 4 con bò sữa ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên 9 con, thu nhập từ sản lượng  sữa thu về là gần 200 triệu đồng mỗi năm. Kinh tế được cải thiện, ông Thành hiện cũng đã hoàn trả số vốn vay cho Dự án. Ông Thành vui mừng cho biết: “Lúc trước nuôi lẻ tẻ có 3-4 con, chuồng cũng không được sạch sẽ. Nhờ Dự án giúp cho vốn đầu tư mới làm lại chuồng cho rộng, sạch sẽ hơn, nuôi được nhiều bò hơn”.

    Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò còn hỗ trợ được 1.550 liều tinh bò sữa cao sản và bò sữa giới tính, 9.338 liều tinh bò thịt cao sản các loại. Đồng thời, phối hợp cùng các địa phương thực hiện nguồn lực chuyển tiếp của Dự án giai đoạn trước, như: chuyển giao 29 con bò cái sữa hậu bị cho 29 hộ và 20 con bò cái lai Sind, lai Branhman cho 10 hộ. Bên cạnh đó, tổ chức được 35 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, sữa và 10 lớp nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi... Có thể khẳng định, việc tiếp tục triển khai Dự án Phát triển chăn nuôi bò là thật sự cần thiết nhằm cải thiện về số lượng và chất lượng đàn bò của tỉnh; điều quan trọng là góp phần nâng cao nhận thức của người chăn nuôi theo hướng nuôi bò với quy mô gia trại, trang trại, chăn nuôi phải gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao sản lượng thịt, sữa và vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi bò gắn với tiêu thụ... Đồng chí Trần Văn Đốm – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò thông tin thêm: “Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, Ban Quản lý Dự án sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện một số nội dung, như tiếp tục hỗ trợ 400 con bò cái lai Sind, lai Branhman và 40 con bò cái hậu bị F1, F2. Đồng thời, tham mưu xây dựng 10 chuỗi sản xuất giá trị chăn nuôi bò thịt, xây dựng thêm 5 mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAP. Hỗ trợ thêm 40 máy băm  thái cỏ và 200 ký hạt cỏ giống cho các hộ chăn nuôi để phát triển thức ăn thô xanh”.


Ban quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò chuyển giao bò cho hộ nuôi. 

 

    Nhờ xây dựng kế hoạch triển khai bài bản và lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng, các hoạt động do Dự án Phát triển chăn nuôi bò triển khai, hỗ trợ đã tạo thêm động lực để hộ nuôi duy trì và phát triển nghề. Từng bước chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ thành chăn nuôi tập trung, quy mô lớn để cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên vượt khó, giảm nghèo bền vững  theo đúng mục tiêu của Dự án đề ra.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 51
  • Hôm nay: 126
  • Trong tuần: 70,553
  • Tất cả: 11,802,560